rss
email
twitter
facebook

Jul 19, 2004

Chủ động phòng bệnh viêm não do vi-rút

Hiện nay, tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương cũng như khoa nhi các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phía Bắc, phần lớn bệnh nhi nhập viện là do viêm não vi-rút. Trong đó, số bệnh nhi viêm não Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao. Ðể kiểm soát được dịch bệnh này, theo các nhà chuyên môn chúng ta phải chủ động phòng và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh.
Viêm não do vi-rút là bệnh lưu hành thường xuyên ở nước ta, trọng tâm là viêm não Nhật Bản. Bệnh thường xảy ra trong mùa hè, phổ biến từ tháng 4 đến tháng 9, đỉnh cao của bệnh là tháng 6. Ðây là mùa có nhiều quả chín, mưa nhiều, độ ẩm cao, thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loài muỗi truyền bệnh và các loài chim mang mầm bệnh ăn quả chín. Lứa tuổi mắc bệnh thường là từ 1-15 tuổi, trong đó nhóm có nguy cơ cao là từ 1-9 tuổi.

Bệnh nhi viêm não Nhật Bản năm nay giảm so với những năm trước là do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã thực hiện tiêm chủng đủ 3 mũi vaccin viêm não Nhật Bản cho tỷ lệ đáng kể số trẻ thuộc diện nguy cơ cao. Các trường hợp viêm não Nhật Bản điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccin. Có rất nhiều chủng vi-rút khác nhau gây bệnh viêm não. Hiện nay chỉ mới tìm ra một số nguyên nhân như do vi-rút viêm não Nhật Bản, do các chủng vi-rút đường ruột (typ Echo, CoxsakieA, Enterovirus). Trong số này mới chỉ có vaccin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. PGS.TS Phạm Ngọc Ðính - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng chỉ rõ: vaccin viêm não Nhật Bản chỉ phòng được bệnh viêm não Nhật Bản. Do vậy, mặc dù đã tiêm vaccin viêm não Nhật Bản nhưng trẻ vẫn có thể bị viêm não do các vi-rút khác. Ngay cả với bệnh viêm não Nhật Bản, để phòng được bệnh cần phải tiêm đủ 3 mũi, đúng lịch, đúng chỉ dẫn mới đảm bảo chất lượng phòng bệnh của vaccin. Có nhiều trường hợp tiêm không đủ mũi hoặc khi tiêm trẻ đang bị sốt, hay trong quá trình vận chuyển vaccin đến các khu vực tiêm chủng xa trung tâm, hệ thống dây chuyền lạnh không được bảo quản tốt, những yếu tố này cũng làm mất tác dụng phòng bệnh của vaccin viêm não Nhật Bản.

Viêm não do vi-rút nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng có diễn biến bệnh phức tạp và để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chủ động phòng ngừa được bệnh nếu tuân thủ một cách chặt chẽ những khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Ðó là cần tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vaccin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-15 tuổi, nhất là những trẻ trong độ tuổi từ 1-9 theo đúng lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Mọi người cần thực hiện ăn uống chín và dùng nước sạch, có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện, giữ vệ sinh cho trẻ. Tiến hành vệ sinh môi trường thường xuyên nhằm làm giảm nguy cơ xâm nhập của vi-rút gây viêm não qua đường tiêu hóa, giảm mật độ muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản hay những bệnh viêm não khác.

Hiện nay Bộ y tế không khuyến khích dùng hóa chất phun diệt muỗi gây viêm não như diệt muỗi gây sốt rét hay sốt xuất huyết, do vậy cần có thói quen ngủ màn và có ý thức giữ gìn trong sạch môi trường sống.

Ðối với những trẻ có biểu hiện bệnh như sốt cao, co giật, các bậc cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà cần chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.