rss
email
twitter
facebook

Jun 18, 2005

Viêm não cấp

Dịch viêm não hiện đang lan tràn tại Việt Nam và không chỉ có ở đồng bằng, thành thị - bệnh viêm não cũng đã xuất hiện ở các huyện Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai và Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai...

Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính ở não bộ, bệnh có tỷ lệ tử vong cao (10-15%) và để lại di chứng rất nặng (khoảng 35%). Trên 90% bệnh viêm não cấp gặp ở trẻ em và tuổi mắc bệnh thường từ 3-15 tuổi, tập trung nhiều nhất ở trẻ 6-7 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm và phát triển thành cao trào trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Nguyên nhân của bệnh viêm não cấp là do một số loại siêu vi khác nhau gây ra như: virus viêm não Nhật Bản (khoảng 40%), virus Entero, virus Nipah, virus Herpes... Bệnh thường xảy ra ở vùng nông thôn, đặc biệt là viêm não Nhật Bản (90% các trẻ mắc bệnh sống ở nông thôn).

Virus có thể thâm nhập vào não bộ theo đường máu, đường tiêu hóa hay đường hô hấp, hoặc do biến chứng của các bệnh sởi, thủy đậu, quai bị... Thủ phạm truyền bệnh cho muỗi là chim, dơi - những động vật xuất hiện nhiều vào mùa quả chín rộ. Virus gây bệnh tác động trực tiếp vào chất não, do đó, tỷ lệ tử vong và biến chứng rất lớn: bị liệt, co quắp chân tay hoặc không còn ý thức, chỉ có thể sống kiểu thực vật. Có đến 70-80% số trẻ mắc bệnh đã trở thành người tàn phế.

Biểu hiện của bệnh viêm não cấp

Giai đoạn ủ bệnh: Virus xâm nhập nhanh vào cơ thể, đặc biệt là hệ thống thần kinh, dẫn đến các biểu hiện như trẻ bị viêm não trong vài ngày đầu (1- 10 ngày) thường có biểu hiện hơi khó chịu, kém ăn, lười chơi, hay quấy khóc. Có thể có sốt, ho, tiêu chảy, đau đầu, nôn ói... Thăm khám không thấy dấu hiệu gì đặc hiệu về não hoặc có thể thấy dấu hiệu ở màng não (trẻ lớn).

Giai đoạn toàn phát: Triệu chứng của viêm não cấp thường là khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng: đột ngột sốt cao 39-40 độ C, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn, có thể kèm ho, tiêu chảy, sau 1 - 2 ngày thay đổi tri giác, lú lẫn, đờ đẫn, hôn mê dần (lơ mơ, mê sâu không đáp ứng với kích thích đau), xuất hiện co giật và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Có khi sốt rất cao 40 - 41 độ C, rất khó hạ nhiệt. Co giật, gồng mất não hay mất vỏ não. Có thể gặp co giật liên tục và không thể khống chế được bằng các loại chống co giật thông thường. Rối loạn hô hấp dẫn đến ngưng thở...

Tùy theo nguyên nhân viêm não, diễn tiến của giai đoạn này có thể rất nhanh đưa đến tử vong trong 24 giờ đầu hay tử vong sau 3 - 7 ngày hôn mê. Nếu điều trị kịp thời, trẻ có thể lành bệnh và không có di chứng. Nên mang trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, đặc biệt là khi trẻ co giật, hôn mê. Các biện pháp can thiệp chủ yếu ở đây là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ như hạ sốt, chống co giật, đảm bảo hô hấp tuần hoàn... Viêm não là bệnh do virus nên chưa có phương pháp đặc trị.

Giai đoạn hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát, nếu trẻ không bị bội nhiễm các dấu hiệu sốt, co giật giảm dần và tri giác bắt đầu hồi phục. Sự hồi phục tri giác có thể tiến triển thuận lợi sau vài tháng, vài năm.

Giai đoạn di chứng: Di chứng có thể xuất hiện ngay sau khi hồi phục hoặc xuất hiện trễ và công việc chủ yếu là vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh viêm não cấp, nên diệt muỗi, ngủ màn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ cho trẻ không bị cảm cúm trong giai đoạn chuyển mùa. Khi trẻ mắc bệnh phải săn sóc kỹ: giữ ấm, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng (chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn dễ tiêu). Khi trẻ bị tiêu chảy phải cách ly với các trẻ khỏe mạnh khác.

Cách phòng bệnh viêm não hiệu quả nhất là tiêm vắcxin. Các đợt tiêm chủng phải được thực hiện vào tháng 10-12 mỗi năm để phòng cho năm tới, chứ không phải để đến lúc bệnh bùng phát rồi mới tiêm. Viêm não có nhiều loại và vắcxin loại nào chỉ có thể ngừa bệnh đó mà thôi. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có thuốc chủng ngừa viêm não Nhật Bản. Trẻ có thể tiêm phòng bệnh này từ 12 tháng tuổi và phải tiêm 3 liều, liều 2 cách liều 1 từ 7- 10 ngày và liều thứ 3 sau 1 năm.

TS Bùi Mạnh Hà