rss
email
twitter
facebook

Apr 26, 2003

Viêm não cấp có thể ẩn trong các triệu chứng thông thường

BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng I, cho biết, trên 90% ca bệnh nhi tử vong do viêm não cấp tại An Giang, Cần Thơ, TP HCM, thời gian gần đây, là trong giai đoạn hôn mê. Các bệnh nhân được nhập viện sớm hay muộn đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong và tỷ lệ di chứng

- Từ tháng 1/2003 đến nay, TP HCM đã rộ lên “Hội chứng viêm não”, bác sĩ có nhận định gì về tình hình này?

- Thực ra, bệnh viêm não không phải là một bệnh mới. Trung bình mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng I tiếp nhận vài trăm trường hợp viêm não, gần đây nhất là năm 2002 với 283 ca. Riêng tháng 3 vừa qua, bệnh đột ngột tăng rộ lên.

Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính não bộ. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (10-15%) và để lại di chứng rất nặng (khoảng 35%). Khoảng 40% nguyên nhân của bệnh là do viêm não Nhật Bản, còn lại chưa rõ nguyên nhân. Theo nhiều tài liệu chuyên môn và kinh nghiệm của các chuyên gia trên thế giới thì viêm não cấp do một số loại siêu vi trùng gây ra, với nhiều căn nguyên khác nhau như: virus viêm não Nhật Bản , virus Entero , virus Nipah, virus Herpes… Siêu vi trùng có thể thâm nhập vào não bộ theo đường máu (do muỗi chích), theo đường tiêu hoá hay theo đường hô hấp.

Trên 90% bệnh viêm não cấp gặp ở trẻ em và tuổi mắc bệnh thường từ 2-8 tuổi. Bệnh rất hay xảy ra ở vùng nông thôn. Khả năng tử vong do siêu vi trùng xâm nhập bằng đường tiêu hoá cao gấp 2 lần so với đường hô hấp và đường máu. Với 12 ca tử vong do viêm não cấp thời gian gần đây, hiện vẫn chưa xác định được loại virus nào gây ra mà còn đang chờ kết quả phân lập của viện Pasteur TP HCM, nhưng chúng tôi nghĩ nhiều đến nhóm virus Entero (xâm nhập bằng đường tiêu hoá).

- Viêm não cấp có khởi phát bệnh và dẫn dến tử vong rất nhanh. Xin bác sĩ cho biết những biểu hiện để nhận biết rõ bệnh?

- Trẻ mắc bệnh viêm não cấp thường khởi bệnh đột ngột với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, ói mửa, lừ đừ, bỏ ăn, có thể kèm ho, tiêu chảy, sau 1-2 ngày xuất hiện co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong rất nhanh (trong vòng 3 ngày, hoặc có trường hợp chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi nhập viện) nếu không được điều trị kịp thời. Giai đoạn hôn mê là giai đoạn quyết định hiệu quả can thiệp của người thầy thuốc. Các biện pháp can thiệp chủ yếu ở đây là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ như hạ sốt, chống co giật, đảm bảo hô hấp tuần hoàn...

Bệnh do siêu vi gây ra nên nếu qua cơn nguy kịch thì sau 7 ngày bệnh nhi sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, cần phải đưa bệnh nhi nhập viện sớm.

- Như thế nào là đưa trẻ nhập viện sớm?

- Khi trẻ bắt đầu có những dấu hiệu biếng chơi, ngủ nhiều hay nói sảng thì cha mẹ nên chú ý, và bắt buộc phải đưa trẻ nhập viện khi trẻ sốt cao, ói mửa, đau đầu, đặc biệt là co giật và hôn mê. Hôn mê ở đây không có nghĩa là trẻ nằm mê mệt li bì mà là khi trẻ ít tiếp xúc với mọi người hơn, ngủ nhiều hơn và nói lúc đúng lúc sai. Khi xuất hiện các dấu hiệu này phải nhanh chóng đưa trẻ vào viện ngay.

Nhắc lại những trường hợp tử vong, khi chúng tôi đến một số gia đình tìm hiểu thì được biết: Trước khi xuất hiện những triệu chứng điển hình của bệnh thì các cháu đã thay đổi tính tính và những thói quen hàng ngày như không thích các đồ chơi mà trước đó rất thích, thường hoảng hốt… nhưng phần lớn cha mẹ không lưu ý. Ngoài ra, tôi cũng e ngại một thực tế hiện này là các bậc cha mẹ còn chủ quan khi con trẻ bị cảm cúm hoặc tiêu chảy, chỉ cho trẻ uống một vài viên thuốc tự mua rồi vẫn đưa con đến trường. Điều này rất không nên vì có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Có những biện pháp nào phòng ngừa căn bệnh này, thưa bác sĩ?

- Để phòng ngừa bệnh viêm não cấp nên diệt muỗi, ngủ màn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất nên giữ cho trẻ không bị cảm cúm trong giai đoạn chuyển mùa. Khi trẻ mắc bệnh phải săn sóc kỹ: giữ ấm, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng (chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thức ăn dễ tiêu). Khi trẻ bị tiêu chảy phải cách ly với các trẻ khoẻ mạnh khác.

- Ngoài cách tự bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, có thể đưa các cháu đi tiêm phòng không?

- Hiện nay ở Việt Nam chỉ có thuốc chủng ngừa viêm não Nhật Bản. Trẻ có thể tiêm phòng bệnh này từ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay có quan niệm sai lầm, cho rằng viêm não cấp là viêm não Nhật Bản nên cứ nghĩ nếu trẻ đã tiêm phòng viên não Nhật Bản rồi là yên tâm. Thực tế, vacxin loại nào chỉ có thể ngừa bệnh đó mà thôi.

(Theo Sức khoẻ và Đời sống)