rss
email
twitter
facebook

Dec 23, 2010

Cứu sống bé gái bị sốt xuất huyết thể não

Ngày 23/12, BS Trần Thị Thúy - Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng II TP.HCM cho biết, sau 20 ngày điều trị tích cực bệnh sốt xuất huyết (SXH) dạng thể não, bé N.T.K.N., 10 tháng tuổi (ngụ Bình Đại, Bến Tre) đã được cứu sống.

Trong bốn ngày đầu bị SXH, bé N. lên cơn co giật liên tục, rơi vào tình trạng hôn mê và được BV địa phương chẩn đoán bị viêm màng não. Đến ngày thứ năm, bệnh nhi (BN) được chuyển lên BV Nhi Đồng II trong tình trạng sốt cao liên tục, co giật, hôn mê. Sau khi xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện BN bị SXH thể não. Ngay lập tức bé N. được hỗ trợ thở máy, điều trị thuốc an thần, dùng dịch truyền và thuốc vận mạch liều cao nhưng huyết áp vẫn diễn biến bất thường.

Sau một tuần thở máy, BN bắt đầu tự thở, tri giác được cải thiện, nhưng nửa người bên trái vẫn còn yếu. Các bác sĩ cho BN châm cứu và tập vật lý trị liệu, chọc dò tủy sống thấy đã có kháng thể kháng lại virus Dengue. Như vậy, sau 20 ngày điều trị, sức khỏe bé N. đã được cải thiện. Theo BS Thúy, SXH có nhiều dạng từ thể não, gan mật, tổn thương đa cơ quan đến suy thận… SXH dạng thể não thuộc loại hiếm vì mỗi năm chỉ có hai - ba ca/3.000 BN SXH điều trị tại BV Nhi Đồng II. SXH thể não, rất dễ chẩn đoán nhầm với viêm màng não, viêm não do một loại virus khác gây bệnh vì những biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương gần giống nhau. SXH dạng thể não nguy hiểm hơn những dạng SXH thông thường, có thể gây suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn dẫn đến tử vong.

Nov 23, 2010

Những người chỉ có nửa đầu

Họ không còn 'quả đầu' tròn lành lặn như người bình thường bởi những tai nạn hay mắc phải căn bệnh kỳ lạ buộc phải cắt đi một phần hộp sọ.

'Tù nhân nửa hộp sọ' nổi tiếng trên mạng Mỹ

Gần đây, bức ảnh một tù nhân tại Miami (Mỹ) với cái đầu chỉ còn nửa hộp sọ đang được lan truyền 'điên cuồng' trên mạng. Đó là Carlos Rodriguez, hay còn gọi là Carlos Sosa, 25 tuổi. Bức ảnh được chụp khi anh ta bị bắt vào trại giam. Nếu nhìn chính diện dường như ảnh không có gì bất thường, nhưng nhìn mặt nghiêng sẽ khiến người xem phải há hốc miệng vì kinh ngạc. Bởi đầu của tù nhân này chỉ còn một nửa hộp sọ.




Nov 5, 2010

Mùa đông, hãy thận trọng với bệnh viêm não

Viêm não là một trong những bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ em vì bệnh không những gây tử vong mà còn để lại những di chứng nặng nề như liệt, mất tiếng nói, tay chân co quắp, mất tri thức... Trong nhóm bệnh viêm não, có hai căn bệnh hay phát tác vào mùa lạnh, đó là bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (thường gọi viêm não mô cầu) và viêm màng não HiB.

Viêm màng não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng và thường có các ban xuất huyết, hoại tử trên da. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neissrria Meningitidis - một loại vi khuẩn gram âm, ái khí, có 9 nhóm huyết thanh A, B, C, D, X, Y, Z, W135 và 29E. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất vào mùa đông và mùa xuân, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trai nhiều hơn gái. Vi khuẩn có thể tồn tại trong mũi họng bệnh nhân 2 - 10 ngày trước khi phát bệnh, được thải ra ngoài trong 3 - 4 tuần lễ từ khi phát bệnh. Người mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh thải vi khuẩn trong thời gian lâu hơn, có thể tới 2 - 3 tháng hoặc 1 - 2 năm nhưng rất hiếm. Bệnh không lây qua ăn uống nhưng qua tiếp xúc trực tiếp trên da, môi trường nước hồ bơi. Bệnh dễ lây lan trong môi trường sinh hoạt kém vệ sinh, ẩm thấp, không có không khí đối lưu, nước nhiễm bẩn.


Nov 3, 2010

Phát hiện virus gây viêm não Nhật Bản chỉ sau 20 phút

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương bước đầu thử nghiệm thành công phương pháp mới phát hiện bệnh viêm não Nhật Bản chỉ sau 20 phút, độ chính xác cũng cao hơn rất nhiều.

Thạc sĩ Trần Quang Huy, Phòng Thí nghiệm Hiển vi điện tử, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Viện đang nghiên cứu áp dụng phương pháp cảm biến sinh học để phát hiện virus gây viêm não Nhật Bản.

Trước đây, người ta sử dụng phương pháp MAC Elisa và mất ít nhất 12 giờ mới xác định được virus gây bệnh. Nhưng với phương pháp mới này chỉ mất 20 phút, độ chính xác cũng cao gấp 60-80 lần cách làm cũ. Thời gian xét nghiệm được rút ngắn, việc phát hiện sớm bệnh sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, thạc sĩ Huy cho biết.


Nov 2, 2010

Tử vong do viêm não sau 2 ngày bị cảm lạnh

Một cô gái 18 tuổi đã tử vong 2 ngày sau khi bị cảm lạnh do vi rút xâm nhập vào não.

Bệnh của sinh viên Danielle Brooker đã nhanh chóng xấu đi sau khi cô phàn nàn về tình trạng mệt mỏi và đau đầu.

Chỉ ngày hôm sau, cô đã mất cảm giác với tay và chân và trong vài giờ tiếp theo, cô bị ngất xỉu và rồi rơi vào tình trạng hôn mê.

Ngay lập tức, Danielle được đưa vào bệnh viện Maidstone (Anh) cấp cứu nhưng đã tử vong sau khi được chuyển đến chuyên khoa thần kinh của bệnh viện ĐH King London.

Các bác sĩ cho biết đây vi rút gây cảm lạnh phổ biến đã “chạy” lên não và gây sưng phù não bộ, một biến chứng rất hiếm gặp.

Và theo kết luận chính thức, nguyên nhân gây ra cái chết của Danielle được xác định là do viêm não.


Nov 1, 2010

Tháng 10, các dịch bệnh được kiểm soát và không gia tăng

Ngày 1/11, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10/2010, nhờ chủ động triển khai có hiệu quả các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ mắc mới của nhiều dịch bệnh đã giảm hẳn so với cùng kỳ như tiêu chảy cấp giảm 34,2% số mắc; thương hàn giảm 28,6%; sốt rét giảm 9,6%; viêm màng não do não mô cầu giảm 32,6%; viêm não virut giảm 24,9%...

Đặc biệt, dịch cúm A/H5N1 không ghi nhận trường hợp mắc mới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các BV/viện có giường bệnh, y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và đề xuất nhu cầu cấp thuốc điều trị sốt Dengue/sốt xuất huyết Dengue; thành lập các đoàn đi kiểm tra khắc phục hậu quả lũ lụt và phòng chống dịch bệnh, ATVSTP... Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế dự phòng để chủ động cung ứng cho địa phương đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết; theo dõi tình hình các bệnh truyền nhiễm để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch...

Oct 18, 2010

Ăn ốc sên, hôn mê 15 tháng do viêm não

Tính đến nay, bệnh nhân (BN) L.T.Đ. (SN 1987, Gò Công Tây, Tiền Giang) đã nằm cấp cứu tại Khoa Nhiễm Việt – Anh, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM 15 tháng. BN này bị viêm não, màng não – tủy do nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên. BS Đinh Xuân Sinh - Trưởng khoa Nhiễm Việt – Anh cho biết, BN L.T.Đ. là BN nằm lâu nhất trong khoa bởi BN này hôn mê quá lâu do những di chứng não, nên chưa khôi phục được tri giác và hô hấp, BN phải thở máy liên tục, dinh dưỡng cung cấp qua đường ống…

Được biết, trước đây BN và một người bạn cùng… nhậu món ốc sên nên cả hai đều bị viêm não, màng não – tủy do nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, ốc sên là loại ốc mang ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis, gây bệnh viêm màng não tăng bạch cầu toan tính (eosinophilic meningitic). Việt Nam là vùng dịch tễ của ký sinh trùng này nên rất nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, nhất là vùng ven TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Triệu chứng của viêm màng não do Angiostrongylus cantonensis xuất hiện sau khi ăn ốc sống khoảng hai - năm ngày: biểu hiện là nhức đầu dữ dội, có thể có nôn ói, sốt. Nếu không được chẩn đoán đúng, BN có thể rơi vào hôn mê, suy hô hấp, tỷ lệ tử vong cao.