rss
email
twitter
facebook

May 5, 2007

Vi rút viêm não Nhật Bản nhắm đến lứa tuổi lớn hơn

Số trẻ mắc viêm não Nhật bản trên toàn quốc hiện nay vẫn không có dấu hiệu giảm so với vài năm trước. Nếu trước đây bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi thì hiện nay, căn bệnh nguy hiểm này lại tập chung khá cao ở lứa tuổi 10 - 15.

Đó là nhận xét của PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (ảnh) bên lề một hội thảo do Viện này tổ chức.

Thưa GS, chúng ta vẫn tiến hành tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc mà tỷ lệ mắc bệnh vẫn cao đến vậy?

Thực ra, tỷ lệ bảo phủ tiêm chủng ở nước ta vẫn rất thấp, số trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin (hay bao phủ vắc xin) chỉ chiếm 50 - 60% trong tổng số trẻ dưới 5 tuổi, đấy là chưa kể số trẻ có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản cao bây giờ lại chuyển sang lứa tuổi 10- 15 tuổi và thấp hơn ở lứa tuổi 5 - 9. Với tỷ lệ ấy, chắc chắn chưa thể nói đến chuyện giảm số trẻ mắc viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng.

Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số vùng đã từng tiêm vắc xin đã được bao phủ đầy đủ và có kiểm soát thì thấy tỷ lệ nhiễm bệnh giảm đi rõ rệt. Như Bắc Giang chẳng hạn, ngày trước là 70% rồi xuống 50% và hiện chỉ còn từ 10 - 30% tổng số các ca viêm não.

Khi nào mùa viêm não bước vào thời kỳ cao điểm?

Mùa viêm não thường bắt đầu từ tháng 5, đỉnh thường rơi vào tháng 6 - 7. Kiểu phân bố dịch cũng rất rõ, các tháng đầu năm thường không xuất hiện hoặc chỉ một vài ca bệnh, từ tháng 4 thì số người mắc bệnh bắt đầu tăng nhanh và kết thúc vào tháng 9.

Năm ngoái có bao nhiêu trường hợp mắc bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng. Năm nay, liệu có sự thay đổi nào trong các vùng có nguy cơ cao không, thưa GS?

Năm ngoái có khoảng 2.500 – 3.000 các trường hợp mắc bệnh viêm não chung, trong đó viêm não NB chiếm khoảng 30- 40%.

Theo dự đoán của các chuyên gia y tế, các vùng có nguy cơ cao vẫn tập chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ như Bắc giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, Thanh Hóa.

Đối với viêm não Nhật Bản và viêm não nói chung, ngoài phương án tiêm vắc - xin phòng tránh còn có cách phòng tránh nào khác?

Các nhà khoa học đã nhận thấy, hiện nay tỷ lệ có viêm não Nhật Bản giảm xuống nhưng viêm não nói chung vẫn tăng, vì trong số các trường hợp viêm não còn rất nhiều trường hợp chưa tìm rõ nguyên nhân.

viêm não Nhật Bản cũng vậy, ngoài nguyên nhân xuất phát từ các ổ chứa vi rút mà lợn là động vật đóng vai trò chính còn có thể do một số loại vi rút khác chưa thể xác định và chưa có vắc xin điều trị. Chính vì vậy chỉ có cách tiêm chủng đầy đủ thì mới khống chế được căn bệnh nguy hiểm này.

Lời khuyên của GS, trẻ nên tiêm vào thời điểm nào để vắc- xin đạt hiệu quả cao nhất?

Ở miền Bắc, chúng tôi thường khuyên trẻ nên tiêm vắc xin viêm não tiêm trước mùa dịch, và mùa dịch tức là trước tháng 5. Còn ở miềm Nam do tỷ lệ mắc bệnh ít hơn và mắc đều trong cả năm nên chúng tôi khuyên phụ huỵnh cho trẻ trong diện tiêm chủng mở rộng nên đều đặn đi tiêm vắc xin chứ, đừng đợi mùa dịch mới tiêm.

Theo thông báo của Viện VSDT, trong thời gian gần đây, dịch tễ học đã có sự thay đổi, cụ thể là thế nào thưa GS?

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm não nói chung ở lứa tuổi 5 - 9 tuổi là 35%. Tiếp theo là lứa tuổi 10 - 14 tuổi chiếm 31,3 % sau đó mới đên lứa tuổi từ 1 - 4 tuổi.

Sau tiêm chủng thời kỳ 2005 - 2006 tỷ lệ cao nhất từ 5 - 9 tuổi, nhưng tiếp theo lại là lứa tuổi từ 10 - 14 tuổi, sau đó là lứa tuổi 15 tuổi điều này khá dễ hiểu vì ta đã bao phủ các cháu lứa tuổi 1-5 thì các cháu đã được bảo vệ nên các cháu cơ nguy cơ mắc bệnh lứa tuổi cao chuyển dịch lứa 10 - 14 tuổi.

Được biết, Viện VSDT đang triển có đề nghị mở rộng lứa tuổi đối với vắc xin viêm não Nhật Bản (lứa tuổi trên 5). Nhà nước sẽ phải đầu tư bao nhiêu kinh phí nếu mô hình này đi vào hoạt động?

Chúng tôi đang xây dựng chương trình tăng tỷ lệ và tăng số địa phương được tiêm chủng miễn phí trong đó có vắc xin viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên Viện cũng đang đặt ra câu hỏi có nên nâng tuổi tiêm chủng viêm não Nhật Bản hay không bởi nếu mở rộng lứa tuổi sẽ có hàng triệu trẻ cần tiêm phòng và đi kèm hàng nhiều tỷ đồng. Trong khi đó kinh phí cho tiêm chủng mở rộng nói chung rất hạn chế, mà bệnh viêm não Nhật Bản chưa phải là ưu tiên số một, hiện nay các loại bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, sởi đang được chú trọng và ưu tiên hơn. Chưa hy vọng có đột biến trong tiêm chủng viêm não Nhật Bản.

Chúng tôi đang suy nghĩ đến phương hướng trẻ dưới 5 tuổi được tiêm miễn phí, trên 5 tuổi thì phải tự trả tiền.

Xin cảm ơn giáo sư!