rss
email
twitter
facebook

Jun 16, 2010

Bệnh viêm não virus gia tăng mạnh

Trong khi bệnh viêm não bắt đầu “vào mùa” tại miền Bắc với số bệnh nhân đang gia tăng nhanh, người dân còn hoang mang hơn với thông tin xuất hiện một chủng virus mới gây bệnh viêm não cấp nguy hiểm tại Nam Định và Bắc Giang.

Xuất hiện chủng virus mới?

Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện một chủng virus mới gây bệnh viêm não cấp trẻ em ở Bắc Giang và Nam Định. Biểu hiện của bệnh là sốt cao, co giật và thường dẫn đến tử vong rất nhanh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Yến, Trưởng khoa Dịch tễ - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh viêm não virus do rất nhiều căn nguyên gây ra, trong đó khoảng 30-40% là do virus viêm não Nhật Bản, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu có khả năng xuất hiện một chủng virus mới gây viêm não cấp cho trẻ em ở Nam Định, Bắc Giang. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những vấn đề đang nghiên cứu chứ chưa có một kết luận chính thức nào.

TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, viêm não virus có thể do nhiều loại virus gây ra. Triệu chứng của bệnh hay gặp nhất gồm: Sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa kèm theo các triệu chứng về tinh thần từ nhẹ đến nặng như: lơ mơ, li bì, ngủ gà, lú lẫn, mất định hướng, hôn mê và có các triệu chứng về thần kinh như co giật, co cứng, cử động bất thường, liệt. Tại nước ta, ngoài căn nguyên quan trọng nhất gây viêm não virus là do viêm não Nhật Bản, các căn nguyên còn lại có thể do virus Herpes, virus đường ruột, viêm não do biến chứng sau sởi, quai bị, chân tay miệng...

Còn việc thực sự có xuất hiện chủng virus gây viêm não mới hay không phải do Bộ Y tế công bố, căn cứ trên đầy đủ các bằng chứng khoa học và thực tiễn. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ quan nghiên cứu, nếu phát hiện các vấn đề mới thì sẽ báo cáo lên Bộ Y tế.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên xuất hiện thông tin về loại virus mới gây viêm não cấp ở Bắc Giang và Nam Định. Trước đó, vào cuối năm 2008 đã có thông tin Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát hiện loại virus mới gây hội chứng não cấp tại tỉnh Bắc Giang. Virus này được đặt tên là “ác mộng” (Acmong virus) bởi nó gây nên cơn hoảng loạn ngay trong giấc ngủ của người bệnh và sau đó bệnh nhân sẽ hôn mê và tử vong sau vài giờ... Được biết, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về loại virus mới này.

Vào mùa viêm não virus

TS. Trần Như Dương cho biết, đây là thời điểm mà bệnh viêm não gia tăng mạnh nhất ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, bởi bệnh bao giờ cũng gia tăng mạnh nhất trong mùa hè, khoảng từ tháng 5 đến 8.

Các tỉnh phía Bắc chính là vùng có tỷ lệ mắc viêm não virus cao nhất cả nước, thống kê năm 2008 tỷ lệ mắc trung bình ở vùng này là 2,21/100.000 dân, trong khi ở miền Nam là 1,25/100.000 dân. Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp nhất, bệnh này gây triệu chứng rất nặng nề, chủ yếu hay mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% nếu không được điều trị kịp thời.

Đặc biệt, tỷ lệ di chứng của viêm não Nhật Bản rất nghiêm trọng: có thể gây liệt, rối loạn tâm thần, thiểu năng trí tuệ, động kinh, điếc, mù... Qua thống kê cho thấy có tới 50% bệnh nhân sau khi mắc viêm não Nhật Bản có di chứng từ nhẹ đến nặng.

Cũng theo TS. Dương, nhiều người cho rằng ăn vải là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm não trẻ em vào mùa hè. Tuy nhiên, đó là quan điểm không đúng, bởi mặc dù bệnh thường gia tăng mạnh vào mùa vải, nhãn nhưng thực chất không liên quan gì tới quả vải mà do virus.

Nguyên nhân ở đây là do vào mùa hè, lượng muỗi trong môi trường đạt mật độ cao nhất, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho việc phát tán bệnh. Mùa vải chín là thời điểm thu hút một số loài chim ăn quả là tác nhân truyền bệnh.

Hiện nay, điều trị bệnh viêm não do virus chủ yếu dựa vào triệu chứng, chứ chưa có thuốc đặc trị. Do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine viêm não Nhật Bản.

Ngoài ra, một số biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác cũng rất có hiệu quả cần được áp dụng là diệt muỗi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở; ngủ phải nằm màn để ngăn muỗi; trẻ em lúc chập tối cần tránh chơi ở gần chuồng gia súc, bụi cây để tránh nguy cơ bị muỗi đốt, truyền bệnh...