rss
email
twitter
facebook

Jun 11, 2004

Đề phòng bệnh viêm não trẻ em

Triệu chứng viêm não và viêm não Nhật Bản giống nhau, trẻ mắc bệnh thường sốt cao, co giật, nôn, hôn mê. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sốt, hoặc sốt cao. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 1 đến dưới 15 tuổi.

Năm nay bệnh nhi thuộc lứa tuổi từ 4-10 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Hàng năm dịch bệnh viêm não trẻ em bùng phát từ tháng 5 đến tháng 9, năm nay dịch phát chậm hơn do thời tiết nóng chậm hơn, chỉ trong tháng 6, số ca bệnh mới tăng nhiều. Có rất nhiều căn nguyên gây bệnh viêm não nên dù trẻ đã được tiêm vaccine phòng bệnh nhưng cũng không đủ bảo đảm trẻ không mắc bệnh. Và thực tế là không phải tất cả trẻ trong diện cần tiêm vaccine phòng bệnh viêm não đã được tiêm phòng dù năm nay Bộ Y tế đã chuẩn bị hơn 1,2 triệu liều vaccine phòng viêm não.

Triệu chứng phát bệnh

Việc phát hiện trẻ mắc viêm não, ở cấp độ gia đình hiện mới chỉ có thể dựa vào các triệu chứng như sốt cao, co giật hay nôn. Khi con có các triệu chứng trên, gia đình nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo quy định của Bộ Y tế, nhưng tốt nhất là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Không nên để trẻ ở nhà trong tình trạng sốt cao, nếu để trẻ lên cơn co giật mới đưa đi cơ sở y tế thì rất nguy hiểm. Về cấp độ y khoa, xác định có hay không mắc viêm não phải dựa vào các xét nghiệm.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là đối với bệnh viêm não, loại bệnh tổn thương thần kinh trung ương thì khi có triệu chứng phát bệnh cũng là lúc bệnh đã nặng. Nếu quá từ 24 đến 48 tiếng mới đưa trẻ đến viện thì đều rất nguy kịch.

Phòng hơn chống

Viêm não và viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính, tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản khoảng 14-20%. Bệnh gây hậu quả nặng nề, có thể bệnh nhi khỏi hoàn toàn, nhưng nhiều trường hợp để lại di chứng, nhẹ là co giật, động kinh. Nặng là bị rối loạn hoàn toàn hệ vận động tinh thần, sống đời sống thực vật. Những bệnh nhi bị phù não kéo dài và được đưa đến cơ sở y tế muộn có nhiều nguy cơ bị di chứng nặng.

Hiện ngành y tế mới chỉ phát hiện căn nguyên chính gây viêm não là qua đường muỗi đốt. Vì vậy, để hạn chế dịch bệnh, cần phòng bệnh. Thứ nhất là, làm tốt vệ sinh môi trường ở cộng đồng để không tạo cho muỗi phát sinh. Thứ hai là, các gia đình cần tránh cho trẻ bị muỗi đốt và trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ. Theo quy định của Bộ Y tế là trẻ phải được tiêm 3 mũi vaccine phòng viêm não, mũi thứ nhất cách mũi thứ 2 từ 7 đến 14 ngày, mũi thứ 3 là sau một năm. Với các vùng dịch, từ 3 đến 4 năm trẻ cần tiêm nhắc lại.

Mùa hè đến cùng là lúc bùng phát các dịch bệnh đối với trẻ em, đặc biệt nguy hiểm là bệnh viêm não. Thực tế hiện nay còn nhiều vùng chưa triển khai được chương trình tiêm chủng mở rộng với vaccine viêm não - vaccine viêm não Nhật Bản. Do đó người dân chỉ còn cách tự phòng tránh cho con em mình để hạn chế những di chứng do viêm não gây ra.

Theo Gia đình và Xã hội