rss
email
twitter
facebook

Jul 9, 2010

Chữa viêm não theo phương pháp Y học cổ truyền

Từ đầu mùa hè đến nay, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xuất hiện nhiều trường hợp viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản là dạng hay gặp nhất, tiếp đến là entrovirus, herpes simplex, varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và zona), cytomegalovirus, epstien-barrvirus, virus dại, sởi, cúm, adenoviruses... Viêm não khó chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ tử vong cao 15-20%, di chứng nặng 30-35%.

Hiện còn đang phổ biến tình trạng, nhiều bác sĩ không phải chuyên khoa đã chẩn đoán nhầm viêm não do virus sang bệnh viêm đường hô hấp hay viêm phổi mà cho trẻ uống hay tiêm kháng sinh. Thêm vào đó, nhiều gia đình khi thấy con nôn, sốt cao lại cho là bị cảm cúm thông thường, nên tự mua thuốc hạ sốt cho trẻ uống. Khi trẻ bị co giật, hôn mê, cứng gáy... mới nhập viện lúc đó bệnh đã trở nên rất nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.

Trẻ bị viêm não (kể cả viêm não Nhật Bản) thường có sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, sau đó cứng gáy, co giật, thóp phồng, rối loạn ý thức ( kích thích, vật vã, ngủ gà, hôn mê). Đặc biệt viêm não cấp tiến triển rất nhanh, nhất là biến chứng phù não. Nếu điều trị phù não không kịp thời, bệnh nhân sẽ hôn mê sâu dẫn đến tử vong. Việc phát hiện sớm những triệu chứng gây bệnh và đến khám, điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Cùng với các phương pháp chữa bệnh của Y học hiện đại, Y học cổ truyền cũng có cách điều trị rất hiệu quả. Y học cổ truyền luận rằng, viêm não Nhật Bản B do thử ôn (nắng nóng) xâm nhập, đốt ở phần khí và doanh huyết; Nhiệt cực sinh phong, tân dịch giảm sinh đàm. Nếu xuất hiện các triệu chứng sốt cao, co giật, hôn mê, mê sảng, chứng nội bế, ngoại thoát( trụy tim mạch). Bệnh tiến triển theo 5 giai đoạn: Vệ (khởi phát), khí (toàn phát chưa có biến chứng), doanh huyết (toàn phát có biến chứng mất nước, nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch), thương âm, thấp trở ở kinh lạc (hồi phục và di chứng). Căn cứ vào các giai đoạn trên, Y học cổ truyền đưa ra cách chữa rất hiệu quả.

Giai đoạn vệ và khí (khởi phát chưa biến chứng), người bệnh thường tỉnh, sốt cao, sợ lạnh, ra mồ hôi, đau đầu, gáy hơi cứng, rêu lưỡi trắng, mỏng màu vàng. Y học cổ truyền có những bài thuốc sau:

Bài 1: Hạt muồng sống 16g, thạch cao 40g, chi tử 10g, cát căn 10g, ngân hoa 16g, cỏ nhọ nồi 10g, cam thảo nam 10g, sinh địa 10g. Sắc ngày 1 thang.

Bài 2: Kim ngân hoa 16g, thạch cao 40g, liên kiều 12g, bạc hà 8g, lô căn 16g, hoàng cầm 12g. Sắc ngày 1 thang.

Nếu người bệnh buồn nôn, rêu lưỡi trắng dày có thể gia thêm các vị hoắc hương 12g, bội lan 8g, hậu phác 6g.

Giai đoạn doanh huyết: Người bệnh sốt cao, đau nhức đầu, cổ gáy cứng, khát, co giật, hôn mê, lưỡi đỏ, thở thất thường, mạch nhanh. Giai đoạn này người bệnh thường mất nước điện giải, nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch buộc phải dùng các bài thuốc:

Bài 1: Thạch cao 40g, kim ngân 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, hoàng đằng 12g. Nếu táo bón, sẽ dùng thêm chút chít 20g. Sắc ngày 1 thang.

Bài 2: Thạch cao 40g, kim ngân 16g, tri mẫu 16g, hoàng liên 12g, cam thảo 4g, sinh địa 16g, liên kiều 12g, huyền sâm 16g. Nếu bệnh nhân co giật nhiều, có thể dùng thêm thạch quyết minh 40g, địa long 16g, câu đằng 20g. Sắc ngày 1 thang. Nếu hôn mê, nhiều đờm, dùng thêm trúc lịch 30g, an cung ngưu hoàng hoàn 1 viên.

Giai đoạn thương âm, thấp trở ở kinh lạc (phục hồi và di chứng). Bệnh nhân hết sốt, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác có thể dùng bài thuốc gồm: sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, a giao 10g, sa sâm 12g, kỷ tử 8g. Sắc ngày 1 thang. Nếu người bệnh còn co giật chân tay, chất lưỡi khô đỏ có thể dùng thêm quy bản 12g, miết giáp 12g, mẫu lệ 12g. Những người có hiện tượng chân tay co quắp, run, thì dùng các vị mộc qua 8g, bạch thược 12g, đa sâm 8g, đại long 6g. Sắc ngày 1 thang.

Cùng với việc dùng thuốc, giai đoạn này người bệnh cần được xoa bóp, châm cứu để phục hồi chức năng.

Căn cứ vào từng thể trạng bệnh mà điều trị như chống phù não, chống co giật, hạ nhiệt... Với những trường hợp có biểu hiện sốt cao, cha mẹ cần lưu ý, nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, chườm khăn mát (không chườm đá). Cho trẻ uống paracetamon liều 15mg/thể trọng (6 giờ một lần) và phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời nếu nghi ngờ trẻ bị viêm não cấp hoặc sau 12 giờ sốt không giảm.

Trong khi chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm não, việc quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, chủ động tiêm vắc xin viêm não, vệ sinh ăn uống và nơi ở. Để phòng bệnh có hiệu quả, tốt nhất là chống muỗi đốt bằng cách diệt muỗi, ngủ màn, ăn uống vệ sinh. Ngoài ra, phải tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ. Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi...để tránh các bệnh lây lan qua đường tiêu hóa. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, lúc chế biến thực phẩm, khi chăm sóc trẻ em và sau khi đại tiện. Đảm bảo cho trẻ ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh. Không cho trẻ đến chỗ đông người trong thời gian có dịch. Khi các cháu có biểu hiện nhức đầu, nôn, cần điều trị hạ sốt, cha mẹ không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng trẻ.

BS Thùy Dương