rss
email
twitter
facebook

Sep 9, 2010

Chuyển mùa với các bệnh tiêu chảy, đau mắt, viêm não

Thời tiết nắng nóng, giao mùa, mưa lũ thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Đặc biệt, việc không biết cách giữ gìn vệ sinh thường khiến dịch bùng phát, lây lan mạnh, gây nguy hại cho sức khoẻ.

Tiêu chảy nguy hiểm xảy ra ở khắp nơi

Hiện nhiều địa phương trong cả nước đang lưu hành dịch tả. TS Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cảnh báo: "Tiêu chảy liên quan đến ăn uống. Mùa hè nóng bức, thức ăn dễ ôi thiu. Khi chuyển mùa, mùa mưa, lũ lụt, nguồn nước không đảm bảo, môi trường ô nhiễm, ruồi, muỗi, nhặng... phát triển.


Nguồn gốc của bệnh có thể nhận thấy dễ dàng ở nguồn nước ngọt bị nhiễm phân người và súc vật, kèm theo là các thức ăn nước uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: uống nước lã, ăn gỏi cá, quả xanh, tiết canh, thức ăn để ruồi bâu, kiến đậu... có thể gây bệnh lẻ tẻ hoặc thành dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người.

Việc sử dụng chung toilet với người bệnh có thể làm tăng nguy cơ lây truyền và khó kiểm soát của bệnh. Đặc biệt, nguy hại là dân ta không có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đây là nguồn lây bệnh rất lớn bởi có tới khoảng 75% người nhiễm phẩy khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn đào thải mầm bệnh".


Viêm não nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn

PGS.TS Phạm Nhật An, phó giám đốc, trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: "Thời tiết chuyển mùa khiến bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phát triển, đặc biệt là viêm màng não gia tăng. Bệnh không chỉ xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi mà cả ở người lớn.

Ở người lớn, bệnh xuất hiện chủ yếu do cơ thể bị suy giảm miễn dịch. Có khoảng từ 2 - 8% trẻ lành mang vi khuẩn não mô cầu ở họng, mũi, hầu. Khi gặp điều kiện thuận lợi (ví dụ như sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút vì một lý do nào đó), thì vi khuẩn não mô cầu bắt đầu "hoành hành".

Bệnh có thể gặp ở mọi nơi trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong điều kiện sống chật hẹp. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các hạt nước bọt và các dịch tiết mũi họng của người bệnh. Việc sử dụng chung các dụng cụ cá nhân của người bệnh mà không được vệ sinh đúng cách cũng là một nguồn lây lan đáng kể".

Các chuyên gia cũng khuyến cáo để phòng bệnh cần vệ sinh cá nhân tốt, nhất là vệ sinh họng, miệng hằng ngày. Cần cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc với người bị bệnh vì vi khuẩn có thể lây qua các giọt nước bọt, chất nhày họng khi bệnh nhân ho, nói bắn ra không khí xung quanh hoặc người lành trực tiếp hít phải. Nếu không cách ly người bệnh được mà phải sinh hoạt chung thì bồn rửa tay, toilet phải được vệ sinh sạch sẽ bằng chất tẩy rửa đặc dụng".

Đau mắt đỏ

BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc dịch hay viêm kết mạc họng hạch) là tên chung của một bệnh do adenovirus gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, kết thúc vào cuối thu. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus, phổ biến là loại virus andenol. Chỉ tính riêng loại virus Andenol cũng đã có nhiều tuýp khác nhau.

Do đó, có thể năm nay người bệnh mắc phải một loại virus tuýp này nhưng năm sau có thể mắc phải virus tuýp khác. Phòng bệnh đau mắt đỏ thực sự là vấn đề khó khăn do đường lây bệnh rất phong phú: qua tiếp xúc trực tiếp bằng tay, mắt, qua hơi thở, qua nước bọt, qua sinh hoạt vợ chồng...

Cách phòng bệnh tốt nhất là rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước rửa tay y tế, rửa tay trung bình ngày khoảng 10 lần vào mùa dịch.

Đặc biệt, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); Khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp, tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ, đặc biệt là cần cách ly trẻ em khỏi người bệnh. Cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường.