rss
email
twitter
facebook

Mar 24, 2006

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não do nhiễm trùng

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng I, TPHCM, khi nhiễm bệnh viêm não virus đường ruột, trẻ bị sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng.

Được đưa đến Bệnh viện nhi đồng I, TP HCM, cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mê mê tỉnh tỉnh, thở bằng bình oxy từ hôm 14/3, đến nay cháu Tuấn (9 tuổi) vẫn chưa tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm não. Mẹ cháu cho biết, trước đó cháu chỉ bị sốt nhẹ, nhức đầu như cảm sốt bình thường.

Tại Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng I, TP HCM, có rất nhiều trường hợp giống như cháu Tuấn. Khoa chỉ có 80 giường nội trú nhưng lượng bệnh nhi lúc nào cũng nhiều hơn gấp rưỡi. Trong đó, theo trưởng khoa Trương Hữu Khanh, đông nhất là các bệnh tay chân miệng (biến chứng sang viêm não) và viêm não do nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Khanh, có nhiều loại bệnh não do nhiễm trùng khác nhau ở trẻ em. Và biểu hiện ban đầu cũng không khác biệt so với một số bệnh thông thường nên mọi người ít quan tâm. Vì người lớn không biết cách nhận biết triệu chứng ban đầu, hơn nữa các loại bệnh não thường tiến triển rất nhanh nên trẻ được đưa đến bệnh viện đều ở giai đoạn nặng.

Theo y khoa, bệnh não do nhiễm trùng có hai loại là viêm não và viêm màng não.

Viêm não

Viêm não thường gặp nhất là viêm não Nhật Bản và viêm não virus đường ruột. Còn bệnh viêm màng não là phổ biến nhất là viêm màng não nhiễm trùng huyết (thường gọi là viêm não mô cầu) và viêm màng não HIB. Dù được gọi chung là bệnh não do nhiễm trùng nhưng mỗi loại có đặc thù riêng về triệu chứng, tỷ lệ, nguyên nhân, điều kiện gây bệnh và đối tượng dễ nhiễm bệnh, cách phòng ngừa cũng khác nhau.

Bệnh viêm não Nhật Bản được gây ra bởi một loại virus chỉ có trong lợn. Muỗi là vật trung gian truyền bệnh từ lợn sang người. Muỗi đốt lợn mang mầm bệnh rồi đốt sang người gây bệnh. Do đó, viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở các vùng nông thôn hoặc khu vực có chăn nuôi lợn (heo) mà môi trường bị ô nhiễm và ít khi xảy ra ở thành thị, khu vực không có chăn nuôi. Khi phát bệnh, bệnh nhân bị co giật suy hô hấp và có thể tử vong sau 3-4 ngày. Qua ghi nhận, trẻ từ 5 đến 8 tuổi dễ mắc bệnh nhất. Bệnh này đã có văcxin ngừa, để bảo đảm an toàn nên chủng ngừa khi trẻ được 12 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ ở nông thôn và vùng có chăn nuôi lợn.

Bác sĩ Khanh cho biết, dù dễ gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng viêm não Nhật Bản rất ít khi xảy ra. Loại bệnh viêm não trẻ dễ mắc nhất chính là viêm não virus đường ruột. Virus gây bệnh xâm nhập từ ngoài vào đường tiêu hóa qua ăn uống, rồi từ đó tấn công lên não. Gây ra bệnh này là Virus Antervirovirus 71, độc lực rất mạnh lại thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (hiện bệnh này đang phát thành dịch tại tỉnh Kiên Giang). Khi nhiễm bệnh viêm não virus đường ruột, trẻ bị sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng.

Trước đây, các dấu hiệu trên ít được chú ý và cảnh báo nên số lượng trẻ mắc bệnh rất nhiều. Vài năm trở lại đây, khi phát hiện ra bệnh tay chân miệng dẫn đến biến chứng viêm não bác sĩ mới bắt đầu có cảnh báo. Thế nhưng số trẻ bị mắc bệnh vẫn còn khá cao. Năm 2005, Khoa nhiễm bệnh viện nhi đồng I có khoảng 1.000 bệnh nhi nhập viện. Còn từ đầu năm 2006 đến nay có đến 300 bệnh nhi nhập viện vì căn bệnh này, trong đó có tới 70% bị biến chứng thành bệnh viêm màng não. "Trong cộng đồng chắc chắn tỷ lệ mắc bệnh còn cao hơn rất nhiều", bác sĩ Khanh đánh giá.

Vì bệnh sẽ dẫn biến chứng viêm não nên ngay khi phát hiện những triệu chứng ban đầu trẻ phải được lập tức đưa đến bệnh viện. Nếu để lâu, bong bóng vỡ ra làm loét miệng. Giai đoạn này, trẻ không bị hôn mê sâu nhưng hay giật mình, run tay, run chân, đêm khó ngủ hoặc ngủ li bì. Những biểu hiện trên là khởi đầu của biến chứng sang viêm não. "Bác sĩ thường theo dõi rất sát sao bệnh nhân giai đoạn có bong bóng nước. Tuy nhiên, bệnh này tỷ lệ biến chứng thấp nhưng gây tử vong nhanh hoặc làm viêm cơ tim bệnh nhân. Nếu virus đã tấn công não, bệnh nhân có thể tử vong sau 6-7 giờ", bác sĩ Khanh cho biết. Do chưa có thuốc ngừa nên cách phòng ngừa tốt nhất là giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, rửa tay thật sạch sẽ trước khi ăn. Bàn tay là con đường lây truyền nhanh nhất của bệnh viêm não đường ruột.

Viêm màng não

Trong nhóm bệnh này có bệnh viêm màng não nhiễm trùng huyết do não mô cầu - thường gọi viêm não mô cầu - và viêm màng não HIB cũng rất hay xảy ra đối với trẻ em. Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia, tại TP HCM bệnh viêm màng não nhiễm trùng huyết do não mô cầu rất ít xảy ra và tỷ lệ tử vong thấp.

Nhưng viêm màng não HIB lại rất thường xảy ra đối với trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ bị vi trùng gây viêm họng, sau đó mới chuyển sang viêm màng não. Triệu chứng ban đầu của viêm màng não HIB là ho, sổ mũi, ói, nhức đầu, trẻ dưới 12 tháng tuổi thấy thóp (mỏ ác) bị phòng lên. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau vài ngày, nếu không điều trị, bệnh nhi sẽ hôn mê, co giật. Bệnh nhân nếu không tử vong cũng sẽ để lại di chứng rất nặng nề. Tuy nhiên, bệnh này đã có văcxin ngừa. "Việc tiêm ngừa chỉ đạt hiệu quả khi trẻ còn nhỏ để ngừa viêm họng do vi trùng. Khi đã lớn việc tiêm ngừa không còn tác dụng nữa vì trẻ đã bị viêm họng từ nhỏ", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Việc tiêm ngừa chỉ đạt hiệu quả khi được áp dụng đúng với bệnh, độ tuổi, thời điểm và khu vực đang sống. "Không nên đợi đến khi có dịch bệnh xảy ra mới vội vã đi tiêm ngừa", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.