rss
email
twitter
facebook

Apr 2, 2006

Nhiều nơi bùng phát bệnh

Đang có hiện tượng bùng phát bệnh ở nhiều nơi. Phía Bắc, các bệnh về đường hô hấp tăng; Phía Nam: bệnh viêm não, viêm màng não diễn biến phức tạp...

Từ giữa tháng 3 cho tới nay, thời tiết thất thường, độ ẩm trong không khí cao và kéo dài đãkhiếncho nhiều loại bệnh có dịp bùng phát, nhất là các bệnh về đường hô hấp ở các tỉnh phía Bắc và dịch viêm não, viêm màng não diễn biến phức tạp tại phía Nam.
Những ngày gần đây, tại Bệnh viện đa khoa Saint Paul (Hà Nội), trung bình mỗi ngày có khoảng 500 cháu, trong đó 70% là các ca bệnh về đường hô hấp, đến khám.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận 1.000-1.200 trường hợp đến khám ngoại trú và 700-800 bệnh nhân phải điều trị nội trú, trong đó các bệnh về đường hô hấp chiếm số lượng lớn. Các bệnh về đường tiêu hóa cũng có dấu hiệu tăng.

Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 100 ca mắc viêm não ở các tỉnh phía Nam (đáng chú ý nhất là bệnh viêm não, viêm màng não tại Kiên Giang).

So với cùng kỳ năm 2005, cả nước có số mắc bệnh giảm nhưng số ca tử vong lại tăng lên 16 ca.

Riêng tại miền Trung, xuất hiện Hội chứng “chân, tay, miệng” tại Ninh Thuận.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Thuận, hội chứng tay, chân, miệng ở trẻ em tỉnh này đã lây lan thành dịch ở 5/6 huyện, thị xã (gồm 26 xã, phường) với 128 người mắc bệnh.

Mẫu huyết thanh và phân của hai bệnh nhi mắc hội chứng tay, chân, miệng gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM vào giữa tháng ba đã cho kết quả enterovirus 71 dương tính.

Tuy chưa tiếp nhận trường hợp nào mắc “hội chứng tay, chân, miệng” do chủng enterovirus type 71 gây ra nhưng theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), bệnh viện lại tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh do enterovirus các type khác gây nên. Biểu hiện ở triệu chứng phổ biến là tiêu chảy, sốt cao.

Bác sĩ Lộc khuyến cáo,do hiện nay chưa có văcxin phòng bất kỳ chủng enterovirus nào nên biện pháp quan trọng nhất là giữ vệ sinh cho trẻ, nhất là phải bảo đảm tay, chân, miệng sạch sẽ trước khi ăn.

Còn Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, để phòng dịch bệnh trong thời điểm giao mùa, người dân cần có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống, thực hiện ăn chín uống chín, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn để hạn chế tối đa nguồn gốc gây bệnh.

Hiện tại, các hóa chất tiệt trùng vệ sinh môi trường, trang thiết bị phòng chữa bệnh đã được Bộ Y tế chuyển cho các địa phương trên.

--------------------------
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - cho biết trong vòng một tuần qua (từ 24 đến 31-3), BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn đã chuyển qua BV Nhi Đồng 1 tổng cộng 15 trẻ sơ sinh, trong đó có bảy ca đã được xác định bị nhiễm trùng huyết kèm viêm màng não. Đây là những trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng sớm, trong vòng một tuần sau sinh. Theo bác sĩ Chí Thượng, nhiễm trùng sớm có hai nguồn gốc: do vi trùng thường trú ở cơ quan sinh dục của mẹ lây qua con trong quá trình chuyển dạ hoặc do vi trùng trong môi trường BV lây sang. Theo bác sĩ Chí Thượng, tuần sau các chuyên gia chống nhiễm khuẩn của BV Nhi Đồng 1 sẽ đến BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn khảo sát và hỗ trợ BV này để có hướng can thiệp ngay.