rss
email
twitter
facebook

Jun 10, 2006

Nhiều bệnh dịch tái bùng phát

Những tháng đầu năm 2006, người dân TPHCM lo lắng về dịch bệnh viêm não mô cầu, nhưng khi dịch bệnh này vừa tạm lắng thì bệnh tay-chân-miệng lại bùng phát, bệnh rubella lây lan rộng ở nhiều trường học và khu chế xuất.

Hiện nay các dịch bệnh trên gia tăng trở lại, số ca bệnh sốt xuất huyết cũng tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Chúng đang là mối hiểm họa cho sức khỏe người dân.

Bệnh gây tử vong tại nhiều nơi

Hai phường 8 và 9 đang trở thành hai điểm nóng của quận 6 về bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trưa ngày 8-9, tại một bãi đất cách chân cầu Phú Lâm khoảng 50m, gần chục người cả già lẫn trẻ đang lui hui nằm ngồi trong những chiếc lán xập xệ được quay bằng những tấm tôn và ni lông.

Anh Nguyễn Văn Thanh, công nhân làm đường đang cởi trần nằm trên chiếc võng nói với chúng tôi: “Thời tiết nóng quá, lại không có điện đóm gì nên phải cởi trần mới ngủ được. Mọi người bị muỗi chích thường xuyên nhưng cũng đành chịu thôi.

Dọc theo Bến Phú Lâm song song với dòng kênh, chúng tôi thấy hai bên đường có nhiều chum, vại của người dân dùng chứa nước. Do nước sinh hoạt ở khu vực này thiếu, nên dù có lăng quăng xuất hiện trong 1/3 lu nước, người dân cũng tiếc của không đem lu đi súc.

Ở quận 9, lần đầu tiên bệnh rubella bùng phát trong năm nay với 164 ca. Trong đó, tháng 3 và 4 phát hiện 140 học sinh tại Trường PTTH Phước Bình mắc bệnh. Tháng 5, có 24 công nhân Nhà máy Dệt thêu Kim Ưng mắc phải bệnh rubella. Chưa kể còn nhiều người mắc bệnh nhưng đi điều trị tại các phòng mạch tư hoặc tự mua thuốc uống.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có trên 2.600 người mắc bệnh SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2005, đã có ca tử vong tại quận 6, 8. Bệnh tay - chân - miệng có trên 600 trẻ mắc, 4 trường hợp tử vong.

Bệnh não mô cầu xuất hiện trở lại trong hai tuần qua và đã gây cho một người lớn và một trẻ tử vong. Bệnh rubella có gần 1.000 người bị lây nhiễm, đang xuất hiện rộng tại nhiều địa bàn ở quận 7, Phú Nhuận, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Bình, Nhà Bè, Gò Vấp…

Tự cứu mình bằng... phòng bệnh

Giám đốc Trung tâm Y tế quận 7 Nguyễn Hữu Hưng cho biết, dù bệnh rubella đã lây lan trong hơn 30 công ty của Khu chế xuất Tân Thuận, nhưng việc vận động tiêm ngừa vaccine cho công nhân ở nhiều công ty bị… lơ là.

Quận đã vận động mỗi công ty thành lập một tổ thường xuyên thanh trùng khu vực xung quanh công ty, thuốc sát trùng và phương tiện do y tế dự phòng quận 7 cấp. Thế nhưng cũng chỉ có 10 công ty hưởng ứng. Họ lơ là đến mức quận phải kiến nghị lên Sở Y tế để nhờ sự hỗ trợ!

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hoàng - Đội Y tế dự phòng quận 6, dù được nhận khoảng 40 triệu đồng/năm nhưng vẫn thiếu kinh phí. Bởi gần 1/2 kinh phí phải chi tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng (vào cao điểm tháng 7, 9 và 11) cho 2 phường trọng điểm (6 và 9), và cho cộng tác viên xuống tận địa bàn 3 phường khác (phường 5, 8, 12) để tuyên truyền hàng tháng.

Số còn lại cũng phải gói ghém cho bao nhiêu việc như tuyên truyền, họp, in ấn, xử lý ổ dịch. Số ca mắc SXH hiện nay vượt quá mức giới hạn 200 ca, tăng lên 400-500 ca.

Tuần tới, quận 9 đã lên kế hoạch phát 9.500 tờ rơi hướng dẫn cách phòng bệnh SXH xuống tận địa bàn các khu dân cư. Từ ngày 18-6 đến 31-12, quận triển khai nhiều đợt ra quân tiêu diệt bọ gậy và làm vệ sinh các khu dân cư. Tổng kinh phí đã được duyệt trên 20 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang cho biết, Sở Y tế đang thiết lập khẩn cấp một kế hoạch trình UBND TP một chiến lượt phòng chống dịch bệnh căn cơ lâu dài. Dứt khoát không thực hiện theo kiểu chiến dịch lẻ tẻ có tính phong trào như vừa qua.

Các dịch bệnh như: SXH, viêm não, rubella, tay-chân-miệng, viêm đường hô hấp cấp và cả cúm rất dễ phát sinh và lây lan trong điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Hàng tháng, các ban ngành - đoàn, hội liên quan cùng tham gia các đợt tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Phía các hộ gia đình phải chủ động nâng cao ý thức bằng hành động cụ thể trong việc tổng vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cơ thể, ăn chín-uống sôi, tránh tiếp xúc gần với nguồn bệnh. Khi phát hiện một thành viên trong gia đình có triệu chứng bất thường về sức khỏe, cần sớm đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay.